Sớm đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động

Đăng vào 22/07/2020

Ngày 21-7, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và liên danh VNPT-HADIC-GTEL ICT vừa tổ chức lễ phát động triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.

Nhận thấy đây là dự án quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, Chính phủ và Bộ Công an đã tin tưởng lựa chọn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - Công ty Cổ phần Tư vấn - Đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC) - Công ty TNHH Công nghệ thông tin và Truyền thông Gtel (GTEL ICT) tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được các chuyên gia đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá” và là một trong sáu CSDLQG cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. CSDLQG về dân cư tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là một dự án lớn đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.

Sớm đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT trao bức ảnh Bác Hồ tặng lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Với nền tảng công nghệ mạnh, hiện đại và rộng khắp cùng đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, Tập đoàn VNPT luôn là đơn vị được Chính phủ, bộ, ban ngành, địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đóng vai trò nền tảng, dẫn dắt cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cụ thể, vào tháng 3-2019, Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức khai trương kết nối liên thông văn bản giữa 95 bộ, ngành địa phương, sau đó được nâng cấp để trở thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, mang lại khả năng kết nối phi địa giới hành chính trên cả nước. Ngày 9-12-2019, 9 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án, Cổng dịch vụ công quốc gia được ra mắt với 5 dịch vụ thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Tháng 8 tới đây, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ công bố dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp lên cổng. Cũng trong tháng 8-2020, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ được hoàn thành. Ngoài ra, trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đất đai, chính quyền điện tử, đô thị thông minh… đều có những sản phẩm dịch vụ của VNPT đã và đang hiện diện khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ phát, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, với những kinh nghiệm đã triển khai nhiều dự án lớn trong những năm qua, đặc biệt là những dự án trọng yếu của Chính phủ, VNPT cũng như liên danh nhà thầu tin tưởng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của dự án CSDL quốc gia về dân cư, cam kết tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ ở cả 63 tỉnh, thành phố, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án.

Sớm đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động
Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm phát biểu tại buổi lễ.

Về phương án kỹ thuật công nghệ và bảo mật cho dự án, VNPT và các đối tác của mình xác định đây là dự án quan trọng, có mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ dân cư trên cả nước, cần tính bảo mật cao, Liên danh nhà thầu đề xuất lựa chọn kiến trúc về ứng dụng, hạ tầng, bảo mật đa lớp và đa công nghệ. VNPT cũng đề xuất áp dụng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trên thế giới cho bài toán cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các công nghệ được đảm bảo hệ thống đạt được các tiêu chí như: Năng lực xử lý, hoạt động ổn định, đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin, tiện lợi cho người sử dụng - khai thác, chia sẻ dữ liệu, có khả năng tích hợp với các hệ thống của Chính phủ, bộ, ban, ngành khác, dễ dàng mở rộng để đáp ứng các yêu cầu mới trong tương lai. Các công nghệ được đề xuất áp dụng cũng đồng thời đảm bảo tối ưu hóa chi phí vận hành hệ thống trong tương lai.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết,  đây là dự án quốc gia mà Chính phủ giao cho Bộ Công an thực hiện với thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong vòng 1 năm) trong khi khối lượng công việc lại rất nhiều, nhưng qua nhiều lần tiếp xúc và làm việc liên danh nhà thầu, đặc biệt là vai trò của Tập đoàn VNPT - đơn vị chủ lực quốc gia về Viễn thông - CNTT, lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tin tưởng, VNPT cùng HADIC và GTEL ICT sẽ chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án ý nghĩa này, đó là khi CSDLQG về dân cư đi vào hoạt động chính thức vào ngày 1-7-2021. Hoàn thành dự án này, một lần nữa VNPT và liên danh nhà thầu sẽ chứng minh được năng lực của mình khi dồn hết công sức và trí tuệ để hoàn thành dự án lịch sử này.

Liên kết nguồn tin: https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/som-dua-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-vao-hoat-dong-627545


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...