Cần sự đồng bộ của hệ thống chính sách trong phát triển công nghệ và năng lượng

Đăng vào 17/09/2020

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức khai mạc diễn đàn 'Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020'.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ; đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đễn lĩnh vực công nghiệp năng lượng.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020".

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay: Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh, sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Về mặt công nghệ, lĩnh vực năng lượng đã được xác định là một trong các lĩnh vực cần tập trung phát triển từ rất sớm, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng của Bộ KH&CN, cũng như nhiều chính sách, chương trình khác từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ/thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Toàn cảnh diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.

Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt tùy vào điều kiện môi trường thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh nên được xem là nguồn năng lượng không tái tạo. Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự ưu tiên cao.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) trình bày tham luận tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ về thực trạng và giải pháp cho ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và tín dụng đến từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Đồng thời, diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia với các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; giải pháp thúc đẩy phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam…

Ông Lê Đình Chiến trình bày nghiên cứu “Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo”.

Tại diễn đàn, đại diện PVN, ông Lê Đình Chiến - Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu đã giới thiệu về nghiên cứu với chủ đề “Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo”.

Nhằm mục đích đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng đang xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, PVN lập Báo cáo nghiên cứu nhanh với mục tiêu: Đánh giá sơ bộ vai trò của hydro trong bức tranh chuyển dịch năng lượng; khảo sát sơ bộ và đánh giá khả năng sản xuất hydro từ các nguồn tái tạo; xác định sự cần thiết để triển khai các nghiên cứu chi tiết hơn nhằm đón đầu xu hướng công nghệ và đánh giá tính khả thi của việc đầu tư dự án sản xuất hydro tại Việt Nam.

Theo xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời. Đặc biệt là tình trạng nóng lên của trái đất đang diễn ra khá nghiêm trọng khiến xu hướng đầu tư cũng đang hướng tới các ngành năng lượng tái tạo. Đến 2050, điện được dự báo sẽ chiếm trên 50% tổng nhu cầu năng lượng, trong đó 63% sẽ đến từ điện mặt trời và điện gió với hiệu suất và giá thành ngày càng cải thiện.

Công nghệ sản xuất hydro từ điện phân nước đã được thương mại hóa và triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Chi phí sản xuất H2 bằng phương pháp điện phân nước có thể cạnh tranh với phương pháp truyền thống (reforming hơi nước khí tự nhiên) nếu có thể giảm được chi phí đầu tư (capex) và giảm giá thành điện đầu vào. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật, chi phí sản xuất bằng công nghệ PEM và Alkaline ngày càng trở nên cạnh tranh hơn trong khi các chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng được dự báo sẽ giảm đáng kể (từ 50-80%).

Sự phát triển của sản xuất điện từ năng lượng tái tạo thậm chí còn có thể dẫn đến giá điện âm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp sản xuất H2 từ điện, để giúp cân bằng hệ thống điện lưới, tận dụng các thời điểm giá điện thấp (thấp điểm). Công nghệ điện phân nước biển hiện vẫn chưa được thương mại hóa do khó khăn về kỹ thuật và chi phí rất cao. Các nghiên cứu xoay quanh vấn đề này nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giảm chi phí vẫn đang được triển khai.

Đối với trường hợp của Nhà máy Đạm Cà Mau, việc đầu tư sản xuất hydro từ điện phân nước để tăng công suất của nhà máy, hay từng bước bổ sung nguồn khí thiếu hụt trong tương lai, sẽ cần được xem xét, tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế mang lại, trên cơ sở đặc thù giá khí và điều kiện tự nhiên của khu vực.

Trong phiên tọa đàm, đại diện các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ đã cùng các đại biểu chia sẻ thông tin, thảo luận về các chính sách, giải pháp, kinh nghiệm nghiên cứu làm chủ, ứng dụng công nghệ và triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Liên kết nguồn tin: https://baomoi.com/can-su-dong-bo-cua-he-thong-chinh-sach-trong-phat-trien-cong-nghe-va-nang-luong/c/36404830.epi


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...