Áp dụng công cụ quản lý và cải tiến năng suất: Giải pháp then chốt của ngành thép

Đăng vào 21/09/2020

Áp dụng các công cụ quản lý và cải tiến năng suất đang được xem là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp (DN) ngành thép nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Quản lý năng lượng

Từ cuối tháng 3/2019, giá điện tăng đã khiến ngành thép tăng chi phí sản xuất. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% khiến giá thép tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Để tăng sức cạnh tranh, bắt buộc các DN tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến để giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng.

 

Tôn Hoa Sen áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc của Malaysia

Nhận thức được điều đó, từ năm 2018, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh đã thành lập Ban quản lý năng lượng và đưa ISO 50001 vào áp dụng. Theo đó, DN này đã áp dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. Chỉ qua 1 tháng thực hiện kiểm toán, các chuyên gia đã đưa ra 6 giải pháp mới để cải thiện hệ thống máy bơm, khí nén và máy nghiền. Điển hình phải kể đến 3 giải pháp mang lại hiệu quả cao cho DN như: Khống chế on/off bơm của hệ thống phân tách lưu huỳnh xưởng lò coke theo mực nước giúp tiết kiệm 10.264 kWh/năm với chi phí tương đương 718 USD; sử dụng cánh bơm nhỏ hơn cho hệ thống bơm tuần hoàn nước làm mát của xưởng tách khí với chi phí đầu tư 12.330 USD, lợi ích thu được lên tới 58.430 USD/năm, thời gian hoàn vốn chỉ vài tháng; giải pháp tốn kém nhất, đòi hỏi chi phí đầu tư 90.000 USD cũng được tính toán sẽ hoàn vốn trong hơn 3 năm khi giúp tiết kiệm 413.329 kWh/năm thông qua dịch chuyển ống hút khí đầu vào của máy nén khí ra bên ngoài để giảm nhiệt độ đầu vào ở xưởng cán thép…

Các giải pháp trên đã giúp công ty mỗi năm có thể tiết kiệm 5.073 tấn than và 1.588MW điện hàng năm, tương đương 438.431 USD, chiếm 1,2% tổng chi phí tiêu thụ năng lượng của công ty.

Cải tiến năng suất

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - cho biết, thời gian qua, nhiều DN ngành thép đã chủ động áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Điển hình, Công ty Thép Posco đã áp dụng kế hoạch trực quan giúp hiệu suất công việc tốt hơn, giảm thời gian làm việc vô ích, tăng công việc tạo giá trị lên 17%, giảm công việc đột xuất bất ngờ 21% và nâng cao sự hài lòng về công việc của người lao động từ 30 - 90%.

Trong đó, tháng 10/2017, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư một nhà máy sản xuất ở Nhơn Hội (Bình Định) với trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất của SMS (Đức) và Tenova (Áo). Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đều đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, để xuất khẩu được sản phẩm vào Malaysia, ngoài các rào cản từ các biện pháp phòng vệ thương mại từ chính phủ, sản phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn bắt buộc của Malaysia được chứng nhận bởi SIRIM QAS International.

Để đạt được chứng nhận này, Hoa Sen đã phải trải qua một quá trình đánh giá gắt gao từ việc xét hồ sơ đạt chuẩn, kiểm định nghiêm ngặt chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến cả dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Tôn Hoa Sen trong 3 năm vừa qua vẫn giữ vững và từng bước được nâng lên.

Liên kết nguồn tin: https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ap-dung-cong-cu-quan-ly-va-cai-tien-nang-suat-giai-phap-then-chot-cua-nganh-thep-20487-3101.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...