Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam

Đăng vào 18/06/2021

Ngành công nghiệp in là ngành công nghiệp dịch vụ đặc thù, tham gia vào hầu hết các chuỗi sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Doanh thu của ngành in đóng góp phần đáng kể vào thu nhập hàng năm của mỗi quốc gia. Theo đánh giá của tổ chức PIRA, doanh thu toàn cầu hàng năm của ngành in trong giai đoạn 2008 đến 2018 tăng từ 870 tỷ lên 1.000 tỷ USD. Với sự phát triển nhanh chóng này đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về chuẩn kiến thức và kỹ năng của người lao động làm trong ngành. Các bộ tiêu chuẩn của người tốt nghiệp các trình độ trong nghề in tại một số quốc gia đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, các chuẩn đầu ra này không phù hợp với thực trạng ngành in và đặc thù nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp in hiện nay tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, ngành cần bổ sung khoảng 3.000 nhân lực có chất lượng hằng năm. Để đào tạo nhân lực cho ngành, cả nước có 4 cơ sở giáo dục chính với các trình độ từ sơ cấp đến sau đại học. Mỗi cơ sở giáo dục này đều đã xây dựng được những bộ chuẩn đầu ra riêng cho các trình độ đào tạo. Tuy nhiên, theo sự phát triển chung của xã hội, khung trình độ quốc gia Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản vào năm 2016, kéo theo sự cần thiết phải thay đổi chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề in nói riêng. Mặc dù chuẩn đầu ra cho một số trình độ đào tạo nghề in ở Việt Nam đã được nghiên cứu và đề xuất, tuy nhiên, chưa có nghiên cứu mang tính tổng thể toàn diện và một số tiêu chuẩn đưa ra đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Việc xây dựng được bộ chuẩn đầu ra phù hợp sẽ giúp cho Trường Cao đẳng Công nghiệp In nói riêng và các cơ sở có đào tạo ngành, nghề in nói chung xây dựng được chương trình đào tạo chất lượng, thiết kế nội dung và tổ chức các hoạt động đào tạo hiệu quả và cam kết về chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo đó. Để đạt được mục đích trên, nhóm nghiên cứu do ThS. Vũ Kết Đoàn, Trường Cao đẳng Công nghiệp In đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam” nhằm xây dựng được các tiêu chuẩn về kiến thức và kỹ năng cơ bản cần có của người học ở một số ngành, nghề đào tạo trong ngành in ở Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã xây dựng được chuẩn đầu ra (CĐR) cho một số trình độ đào tạo nghề trong ngành in Việt Nam

1. CĐR các nghề trình độ cao đẳng

- CĐR các nghề theo định hướng trước in (Prepress);

- CĐR các nghề theo định hướng nghề in (Press);

- CĐR các nghề theo định hướng sau in (Postpress): CĐR các nghề theo định hướng gia công XBP và CĐR các nghề theo định hướng gia công Bao bì & tem nhãn. 

2. CĐR các nghề trình độ trung cấp, bao gồm:

- CĐR các nghề trước in (Prepress): Chế bản điện tử; Chế tạo khuôn in; Thiết kế tạo mẫu

- CĐR Các nghề in (Press): In offset tờ rời; In offset giấy cuộn; In Flexo; In Ống đồng; In Kỹ thuật số

- Các nghề sau in (Postpress): Gia công XBP; Gia công bao bì & tem nhãn (cứng & màng); Sửa chữa máy in. 

3.  CĐR các nghề trình độ sơ cấp

- Các nghề trước in (Postpress): Chế bản điện tử trình độ sơ cấp: Chế tạo khuôn in trình độ sơ cấp; Thiết kế tạo mẫu trình độ sơ cấp.

- Chuẩn đầu ra Các nghề in (Press): In offset tờ rời; In offset giấy cuộn; In Flexo; In Ống đồng; In Kỹ thuật số.

- Các nghề sau in (Postpress):  Gia công XBP; Gia công bao bì & tem nhãn.

Đề tài đã xác định và hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam. Các kết quả đề tài sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, làm nền tảng cho việc tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục, theo dõi đánh giá việc giảng dạy của nhà giáo và đánh giá hiệu quả hoạt động các hệ đào tạo nghề in, tăng cường khả năng hợp tác với doanh nghiệp cũng như làm cơ sở đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo và là cơ sở để quảng bá thương hiệu, các nghề học của nhà trường. Kết quả này cũng giúp cho các giáo viên làm cở sở để thiết kế nội dung bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học để đạt hiệu quả. Thông qua kết quả của đề tài, học sinh, sinh viên có thể làm căn cứ lựa chọn nghề đào tạo với khả năng của mình, nắm bắt được điều gì mình sẽ làm được khi học xong chương trình đào tạo cũng như các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp có thể hiểu sơ lược về năng lực của HSSV do nhà trường đào tạo, có thể phối hợp với nhà trường lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho đơn vị.

Liên kết nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-xay-dung-chuan-dau-ra-cho-cac-trinh-do-dao-tao-nghe-trong-nganh-in-o-viet-nam-3665.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...