Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá chất lượng kỹ thuật tín hiệu phát sóng số

Đăng vào 18/06/2021

Xu hướng phát triển công nghệ dịch vụ truyền hình trên thế giới hiện nay đang chuyển dần từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số. Trong lĩnh vực truyền hình, ngoài công đoạn ban đầu là xây dựng chương trình truyền hình và công đoạn kết cuối thu nhận tín hiệu truyền hình, thì một công đoạn trung gian nhưng đóng vai trò quan trọng đó là phát sóng chương trình truyền hình. Công đoạn phát sóng này đảm bảo tín hiệu hay chương trình truyền hình từ đầu phát tới đầu thu với mức chất lượng tốt nhất.

Nhằm thúc đẩy hệ thống truyền hình theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, truyền hình tại Việt Nam cũng đang trong quá trình thực hiện các bước chuyển đổi về công nghệ, về qui mô cũng như chất lượng để đáp ứng nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Các trạm phát sóng mới, các studio sản xuất chương trình cũng như các hệ thống làm tin trực tiếp bằng công nghệ hiện đại đã được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư công nghệ. Việc áp dụng được triển khai đồng bộ công nghệ số từ các khâu tiền kỳ, đến hậu kỳ sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng dựa trên nền tảng file và hạ tầng mạng đã trở thành chủ lực phục vụ cho các chương trình hàng ngày của truyền hình Việt Nam. Về nội dung, truyền hình Việt Nam đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao dân trí, giải trí và mục tiêu giáo dục cộng đồng của mọi người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường chương trình cho người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin đối ngoại; đảm bảo thông tin quốc tế nhanh nhạy, chính xác và hấp dẫn với chất lượng tốt. Phát huy tốt nhất hệ thống thiết bị hiện có, vừa kết hợp những thành tựu mới của khoa học công nghệ truyền hình tiên tiến, truyền hình độ phân giải cao sử dụng công nghệ số (Digital HDTV) đã dần trở thành một xu thế tất yếu và là cái đích phải đạt được của nhiều hãng và đài truyền hình.

Hiện nay, các đài truyền hình Việt Nam đã thực hiện phát sóng nhiều chương trình có độ phân giải cao qua các phương thức phát sóng qua vệ tinh, cáp và phát sóng mặt đất các chương trình có độ phân giải cao như: VTV1-HD, VTV3-HD, VTV6-HD của Đài truyền hình Việt Nam VTV; VTC1-HD, VTC3-HD của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Với sự dần biến mất của các thiết bị tương tự, cùng với việc toàn bộ môi trường truyền dẫn đang được số hóa đồng bộ, truyền hình Việt Nam đã dịch chuyển nhanh và chuyển đổi quy trình làm việc hiện tại sang file hoàn toàn với khả năng sử dụng tối đa sức mạnh kết nối số, tạo môi trường sáng tạo và kiểm soát tốt nội dung, quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm cuối cùng. Sự dịch chuyển nhanh này yêu cầu hệ thống đo lường kiểm soát chất lượng cũng cần có sự thay đổi phù hợp, thích ứng với môi trường mới, do đó nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Việt Dũng, Viện khoa học kỹ thuật bưu điện đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá chất lượng kỹ thuật tín hiệu phát sóng số”, áp dụng cho truyền hình Việt Nam giúp kiểm soát, nâng cao chất lượng kỹ thuật các chương trình trong giai đoạn mới.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) là cơ quan đi đầu trong việc quản lý chất lượng truyền hình, đặc biệt là chất lượng tín hiệu phát chương trình truyền hình số nhằm đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ truyền hình. Bộ TTTT đã ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý nhà nước chất lượng truyền hình như:

- QCVN 63: 2012/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2”.

- QCVN 64: 2012/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu phát truyền hình kỹ thuật số DVB-T2”.

- QCVN 79: 2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S và DVB-S2 tại điểm thu”; 

- QCVN 83: 2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại điểm thu”.

Vì vậy, bộ thông số và mô hình được lựa chọn và xây dựng trong Chương 3 và Chương 4 về đánh giá chất lượng kỹ thuật tín hiệu phát sóng số của đề tài cũng tuân thủ theo các quy định về khía cạnh quản lý nhà nước của Bộ TTTT. Bên cạnh đó, bộ thông số và mô hình này còn giúp các cấp quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình số có một bộ tài liệu tham khảo chi tiết, cụ thể trong việc lập báo cáo giám, sát đánh giá chất lượng tín hiệu phát sóng truyền hình số. Qua đó, đề tài giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng truyền hình, phục vụ công tác kiểm soát chất lượng và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ truyền hình.

Trong thời gian thực hiện, nhóm đã tiến hành nghiên cứu lý thuyết và thử nghiệm một số phương pháp liên quan đến công tác đo lường, kiểm tra, đánh giá chất lượng file video trong hệ thống truyền hình số cũng như các hệ thống truyền dẫn tín hiệu, trong đó có thử nghiệm đo tuyến truyền dẫn video trên mạng IP/Ethernet:

- Nghiên cứu lý thuyết và tiến hành thử nghiệm hệ thống đo kiểm, đánh giá chất lượng file video truyền dẫn trên mạng IP/Ethernet với vả hai phương pháp chủ động và thụ động. Nghiên cứu lý thuyết và thử nghiệm 13 một số phần mềm đánh giá chất lượng file video: Tektronix, Harmonic, Acceptv...

- Nghiên cứu lý thuyết và đo thử nghiệm tín hiệu Baseband SDI/HD-SDI. Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm thực hiện đề xuất mô hình đo kiểm đánh giá chất lượng kỹ thuật tín hiệu phát sóng số từ công đoạn sản xuất đến phát sóng như sau:

- Mô hình đề xuất đánh giá file.

- Mô hình đánh giá file truyền qua IP kết hợp đánh giá chất lượng đường truyền.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu trong đề tài này, nhóm thực hiện khuyến nghị tiếp tục nghiên cứu sâu thêm và phối kết hợp với các đài truyền hình để đưa ra được một mô hình đánh giá và kiểm soát chất lượng video từ sản xuất cho tới sau phát sóng (chất lượng video trên màn hình Tivi của người xem) áp dụng cho điều kiện thực tế của từng đài như: Đài truyền hình Việt Nam VTV, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC…: Nhóm đề tài  đề xuất mô hình kiểm tra đánh giá chất lượng video cho tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất chương trình, tiến tới xây dựng hệ thống kiểm soát tự động; thử nghiệm đánh giá chất lượng tín hiệu sau phát sóng (DVB-T2, IPTV, CATV), từ đó điều chỉnh lại các tham số đo kiểm hệ thống phù hợp với đặc thù trong các môi trường truyền (nếu cần thiết); và nghiên cứu, phối hợp với các đài truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình xây dựng các bộ chỉ tiêu, thông số kỹ thuật trong từng công đoạn.

Khi xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng tổng thể và đồng bộ, hệ thống sẽ cung cấp được báo cáo chất lượng cho nhiều cấp độ quản lý (cấp độ nhà nước, cấp độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình…).

Ngoài ra, nhóm thực hiện khuyến nghị các đài truyền hình cho phép triển khai thử nghiệm một số phần mềm đo và đánh giá chất lượng file video/audio tại các phòng Đo lường và Thử nghiệm của Đài vì các phần mềm này khá đơn giản, dễ triển khai thực hiện. Đối tượng đo kiểm là các đoạn video quảng cáo, các đoạn phim ngắn, video clip do các đối tác của Đài thực hiện và phát sóng trên các kênh truyền hình. Đánh giá thử nghiệm các nội dung tương tự do các đài truyền hình sản xuất, từ đó đưa ra các khuyến cáo về kiểm soát chất lượng, đặc biệt là với độ lớn âm thanh sát thực tiễn hơn nữa.

Liên kết nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-xay-dung-mo-hinh-danh-gia-chat-luong-ky-thuat-tin-hieu-phat-song-so-3666.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...