Sau 3 năm, ô tô "made in Việt Nam" đã xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Thái Lan

Đăng vào 23/07/2021

Sau 3 năm thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, một số loại sản phẩm xe khách, xe con "made in Việt Nam" đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…  

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi tắt đón đầu

Ngành công nghiệp ô tô là một ngành kinh tế quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia. 

Đối với Việt Nam, trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô luôn được coi là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển và đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại doanh nghiệp, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tỷ lệ nội địa hóa ô tô Việt Nam ngày càng cao.

Tỷ lệ nội địa hóa ô tô Việt Nam ngày càng cao.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm, muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ những năm 1960 trong khi tại Việt Nam đến năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời. 

Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, đe dọa nền sản xuất trong nước. 

Các nước như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc, với lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô khiến chi phí sản xuất thấp hơn thì việc họ thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện thương mại tự do là điều chắc chắn xảy ra nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô và không có các giải pháp phù hợp để phát triển ngành này trong tương lai.

Đứng trước cơ hội và thách thức, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô thông qua “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 229/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. 

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Trong đó, Chính phủ nhất quán với quan điểm: Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn.

Sau 3 năm, ô tô "made in Việt Nam" đã xuất khẩu sang Thái Lan

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 2018 đến nay liên tục tăng. Cụ thể, năm 2018, số lượng xe lắp ráp trong nước đạt 287.586 chiếc, thì sang năm 2019, tổng số xe đã tăng lên 339.151 chiếc. Trong khi đó, năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nên sản lượng ngành ô tô lắp ráp trong nước có suy giảm đôi chút, dừng lại ở mức 323.892 chiếc.

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế đối với xe dưới 9 chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ trên thực tế đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, khoảng 50% đối với xe tải nhẹ và trên 60% đối với xe khách, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa. Trong đó, một số loại sản phẩm xe khách, xe con "made in Việt Nam" đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…  

Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.  

Theo đánh giá, thời gian qua, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

Liên kết nguồn tin: https://congluan.vn/sau-3-nam-o-to-made-in-viet-nam-da-xuat-khau-sang-nhieu-nuoc-trong-do-co-thai-lan-post146077.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...