Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chậm đổi mới sáng tạo

Đăng vào 09/11/2021

Sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều kiện tiên quyết cho quốc gia tiến tới mục tiêu thành nước công nghiệp hiện đại, ngang tầm khu vực.

Hội thảo Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Vietnam+)

Hội thảo Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị quyết 23- NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để đẩy mạnh triển khai thực Nghị quyết 52, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Hội tự động hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”-nthuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba.

Dưới 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số và đứng thứ 15 trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0 (báo cáo của UNIDO).

Thời gian qua, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam có sự thay đổi nhanh và tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số. Mạng 5G đã bắt đầu được triển khai thương mại hóa với cơ sở hạ tầng cốt lõi - mạng băng thông rộng tốc độ cao, đã tạo ra nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh.

Cụ thể, một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động xuyên suốt chuỗi giá trị, như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải, nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel,…

Chuyen gia: Nhieu doanh nghiep Viet van cham doi moi sang tao hinh anh 1

(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên bên cạnh đó, ông Hiển chỉ ra nghiên cứu của Ngân hàng thế giới công bố tháng 11/2021 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp chiếm 75% là vừa và nhỏ, chưa kể có đến 2/3 doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát cho biết còn hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

[Thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa]

Gần đây, báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của khối thịnh vượng chung (Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết chỉ có một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo cùng với tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp (như ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%).

“Thực tế trên cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức,” ông Hiển trao đổi.

Điều kiện tiên quyết để phát triển 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ- Bộ Công Thương, nêu rõ việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóahiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

“Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng 'Make in Viet Nam' - đổi mới sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nội địa có thể làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh R&D trong sản xuất các thiết bị số (như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IoT...) tại Việt Nam,” ông Cường nói. 

Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh thông điệp sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều kiện tiên quyết cho quốc gia tiến tới mục tiêu thành nước công nghiệp hiện đại, ngang tầm khu vực.

Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về xây dựng kinh tế số, phát triển mô hình thành phố thông minh cũng như các ứng dụng về công nghệ thông tin trong cuộc các cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới để Việt Nam học hỏi.

Trên cơ sở đó, ông Hiển cho biết những nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ cung cấp thêm luận cứ cho công tác xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban chấp hành Trung ương. 

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến của đại biểu đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới.

Thêm vào đó, ông Hiền đề nghị các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nghiên cứu, đóng góp những ý kiến khách quan, khoa học trong quá trình xây dựng Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện./.

Liên kết nguồn tin: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nhieu-doanh-nghiep-viet-van-cham-doi-moi-sang-tao/752971.vnp


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...