Nhà khoa học bàn việc khơi nguồn sáng tạo cho giới trẻ

Đăng vào 16/05/2022

Các nhà khoa học cho rằng, người trẻ là nhân tố quan trọng, họ có nhiều yếu tố thuận lợi có thể học hỏi, trao đổi và đưa ra các sáng kiến công nghệ kịp thời.

Là một trong những nhà khoa học nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2021, TS Trương Thanh Tùng (33 tuổi), trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên khoa Dược, Đại học Phenikaa, cho rằng nguồn nhân lực trẻ luôn đóng vai trò then chốt cho sự phát triển và là lực lượng chính quyết định tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới.

Theo anh, bên cạnh sức trẻ, kiến thức, các nhà khoa học trẻ có niềm đam mê, khát vọng cống hiến, dám dấn thân. "Họ như cầu nối giữa những tri thức, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của quốc tế với các nhà khoa học thế hệ trước tại Việt Nam", TS Tùng nói.

TS Trương Thanh Tùng tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

TS Trương Thanh Tùng tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Dù vậy, TS Tùng cho biết các nhà khoa học trẻ vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận đề tài do Việt Nam hiện nay chưa có quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia dành riêng cho thế hệ nghiên cứu trẻ ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Anh giải thích tại các quốc gia phát triển, đội ngũ trẻ sẽ được tiếp cận những nguồn quỹ riêng của quốc gia. Các quỹ này giống như sự đầu tư ban đầu cho các nhà khoa học trẻ có thể "startup" hướng nghiên cứu mới của riêng mình. Thực tế cho thấy, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới có chất lượng cao, có tính ứng dụng cao, có đột phá lớn với hướng đi mới là bắt nguồn từ các đầu tư ban đầu này.

TS Lê Xuân Lực (32 tuổi), Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia Seoul (SeoulTech), Hàn Quốc cho rằng, để đáp ứng xu thế công nghệ phát triển hàng ngày, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao có nhiều yếu tố thuận lợi bởi có thể học hỏi, trao đổi và đưa ra các sáng kiến công nghệ kịp thời.

Trong một thế giới phẳng và hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc tìm kiếm tài liệu, phương pháp nghiên cứu rất đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Cùng sẵn niềm đam mê và sức bật trong độ tuổi năng động tìm tòi nhất, các nhà khoa học trẻ sẽ đưa ra nhiều giải pháp để làm chủ công nghệ, hướng đến một nền khoa học mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

TS Lê Xuân Lực. Ảnh:NVCC

TS Lê Xuân Lực. Ảnh:NVCC

Các nhà nghiên cứu trẻ cần được quan tâm bởi có những khó khăn trong việc xin các quỹ tài trợ để duy trì và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. TS Lực cho biết, ở các nước phát triển, nghiên cứu khoa học và công nghệ được hỗ trợ và đầu tư lớn từ nhiều nguồn như chính phủ, các viện nghiên cứu và vô cùng mạnh mẽ từ các công ty tư nhân. Tuy nhiên ở trong nước, nguồn lực dành cho hoạt động công nghệ nâng cao chất lượng nghiên cứu còn hạn chế. Các đặt hàng nghiên cứu từ các công ty tư nhân không nhiều, máy móc thiết bị nghiên cứu, tài liệu ít được đầu tư, khó khăn về ngoại ngữ. "Các nhà khoa học trẻ nước ngoài về nước cống hiến để tìm được một vị trí làm việc phù hợp còn nhiều khó khăn", TS Lực nói.

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm (35 tuổi), hiện là đại diện công ty công nghệ Innodisk tại Việt Nam. Anh từng là Trưởng phòng Robot - cơ điện tử - tự động hóa, Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (Đại học Học Bách khoa TP.HCM). Theo kỹ sư Lâm, với sự phát triển công nghệ, giờ đây việc nghiên cứu khoa học trở nên dễ dàng hơn. Các nghiên cứu được cập nhật nhanh chóng, dễ tiếp cận hơn. Kho tài liệu khoa học được mở, người nghiên cứu giảm bớt công sức trong việc tìm các tài liệu.

Chủ nhân giải thưởng Quả cầu vàng 2014 nhìn nhận, các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, đã có nhiều tài liệu mở. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ, các dự án nghiên cứu được làm từ xa và áp dụng vào nhiều lĩnh vực, thu hút lượng lớn nhà nghiên cứu, kỹ sư trẻ. Sau Covid-19 Việt Nam đón nhận rất nhiều công ty công nghệ cao vào đầu tư, đây cũng là lực đẩy tốt cho công nghệ nước nhà, thúc đẩy các nhân tài trẻ cống hiến và tiếp cận tinh hoa của các tập đoàn lớn. Đây là lý do các sáng kiến của người trẻ cần được quan tâm, hỗ trợ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm. Ảnh: Hà An

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm. Ảnh: Hà An

Nhìn nhận về cơ hội của các nhà khoa học trẻ, kỹ sư Lâm cho rằng, hiện rất nhiều doanh nghiệp và sáng lập công ty trẻ. Từ phong trào startup, tới thực tế công nghệ phát triển quá nhanh, nên các bạn trẻ có lợi thế rất lớn và tiềm năng phát triển. Các nguồn đầu tư hiện nay đẩy mạnh vào công nghệ, nên đây cũng là kết quả tất yếu của những công ty khởi nghiệp trẻ ra đời.

Cùng quan điểm này, Lê Yên Thanh (28 tuổi), CEO Phenikaa MaaS, cho rằng cần quan tâm hơn đến người trẻ trong đổi mới sáng tạo vì thế mạnh của họ hiện nay là dễ dàng tiếp cận với kiến thức, công nghệ mới xuất hiện giúp có thêm nhiều ý tưởng mới trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước ngày càng phát triển. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chủ nhân Under 30 Forbes Việt Nam cho rằng, để tiếp cận các tri thức mới cách tốt nhất là thông qua internet, cụ thể là các video, tài liệu về công nghệ được đăng trên các bài viết, các hội nghị khoa học,... Hiện có thể được truy cập và tìm hiểu dễ dàng chỉ bằng cách tìm kiếm trên mạng. "Như khi chúng tôi xây dựng những ứng dụng mới cho khách hàng cần các mô hình AI mới thì sẽ tìm trên các bài báo quốc tế về AI. Điều này giúp chúng tôi có kiến thức các mô hình AI phù hợp cùng các tài liệu liên quan để nghiên cứu và thực hiện những giải pháp của riêng mình", Thanh chia sẻ.

Lê Yên Thanh, 28 tuổi, CEO Phenikaa MaaS. Ảnh: NVCC

Lê Yên Thanh, 28 tuổi, CEO Phenikaa MaaS. Ảnh: NVCC

Ở góc nhìn của kỹ sư Phan Huỳnh Lâm về những hạn chế trong nghiên cứu của người trẻ, đó là khó khăn về kinh nghiệm quản lý dự án, con người và tài chính. Những yếu tố này nhiều khi kìm hãm những công ty chỉ thuần túy kỹ thuật. Từ thực tế này, anh đề xuất nhà nước cần có cơ chế mở, dễ dàng hơn trong nhiều luật, thuế... để các công ty khởi nghiệp hoạt động tốt hơn. Bởi người nghiên cứu rất khó làm cả hai việc khi phải vừa giải quyết vấn đề kỹ thuật vừa phải làm các công việc liên quan thuế, luật, chính sách...

Các nhà khoa học trẻ đều thống nhất cho rằng cần thiết phải ươm mầm cho các nhà khoa học trẻ, đầu tư cả về số lượng và chất lượng. TS Lê Xuân Lực nói rằng để khuyến khích người trẻ sáng tạo hơn trong khoa học công nghệ phải có điểm cầu nối để các nhà khoa học trẻ tìm đến nhau, có cơ hội trình bày ý tưởng mới và nhận được góp ý, đóng góp cùng với sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp tạo thêm nhiều tri thức và sự phát triển khoa học công nghệ

Khơi nguồn sáng tạo, thúc đẩy sáng kiến trong giới trẻ là chủ đề được thảo luận tại Hội nghị do VnExpress tổ chức sáng 17/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Hội nghị sẽ có phiên chính và phiên tọa đàm bàn về việc thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ.

Độc giả quan tâm có thể xem thông tin về Hội nghị tại đây.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-khoa-hoc-ban-viec-khoi-nguon-sang-tao-cho-gioi-tre-4463319.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...