Bộ TT&TT sẽ song hành cùng Hải Dương triển khai chính phủ điện tử

Đăng vào 02/10/2019

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Cùng với nhiệt huyết và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, Bộ TT&TT sẵn sàng huy động mọi nguồn lực về công nghệ và con người để song hành cùng Hải Dương trong quá trình triển khai xây dựng chính phủ điện tử". 

Chiều 1/10, đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hải Dương. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Mở đầu buổi làm việc, Giám đốc Sở TT&TT Hải Dương, ông Nguyễn Cao Thắng đã báo cáo về công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Năm 2019, theo đánh giá chỉ số ICT index, Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với 2018; Chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) 2018 xếp thứ 18/63 tỉnh/ thành phố, tăng 13 bậc so với 2017.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương và hệ thống "Một cửa điện tử" (gồm 18 Sở, ban, ngành; 12/12 huyện, thành phố; 244/264 xã, phường thị trấn). Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai xây dựng, tích hợp 1840 thủ tục hành chính… 

Bộ TT&TT sẽ song hành cùng Hải Dương triển khai chính phủ điện tử
Đoàn công tác Bộ TT&TT thăm quan Trung tâm điều hành thông minh đặt tại Tỉnh Ủy Hải Dương.

Tại buổi làm việc, tỉnh Hải Dương đã kiến nghị với đoàn công tác Bộ TT&TT một số nội dung: Hỗ trợ tỉnh triển khai thí điểm truyền thanh không dây tại một số xã; thử nghiệm 5G tại Hải Dương phục vụ một số ứng dụng nền tảng CPĐT và đô thị thông minh; nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT-TT còn thiếu; thu hút doanh nghiệp, công ty công nghệ cao đầu tư về CNTT-Truyền thông; hỗ trợ tỉnh xây dựng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng...

Các đại biểu, đại diện doanh nghiệp cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến TT&TT, ứng dụng CNTT, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm phát sóng BTS, các phần mềm ứng dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hạ tầng viễn thông trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng CPĐT. Đây là hạ tầng quan trọng không kém gì hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng từ trước đến nay vẫn do các doanh nghiệp viễn thông tự phát triển, chưa có nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền tỉnh.

Bộ TT&TT sẽ song hành cùng Hải Dương triển khai chính phủ điện tử
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uy Hải Dương.

Về lộ trình triển khai 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Sở TT&TT Hải Dương lập quy hoạch triển khai, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn cùng phối hợp xây dựng trạm phát sóng 5G để tránh việc đầu tư trùng lặp, đảm bảo vùng phủ sóng trên địa bàn.     

Về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng CPĐT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Hải Dương bằng các hình thức như cử cán bộ về tập huấn và đào tạo chuyên môn cho tỉnh, huy động các doanh nghiệp CNTT-TT hỗ trợ công tác triển khai và đồng hành cùng Hải Dương trong quá trình xây dựng CPĐT.

"Cùng với nhiệt huyết và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, Bộ TT&TT sẵn sàng huy động đủ mọi nguồn lực về công nghệ, giải pháp và con người để song hành cùng Hải Dương trong quá trình triển khai xây dựng CPĐT, và đây là một mô hình triển khai rất hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.  

Bộ TT&TT sẽ song hành cùng Hải Dương triển khai chính phủ điện tử
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

 

Phát biểu buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Hải Dương luôn coi phát triển CNTT-TT là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát những nội dung cần triển khai, trong đó tập trung vào xây dựng chính quyền điện tử.  Đối với các doanh nghiệp viễn thông, để hạn chế những khó khăn trong triển khai hạ tầng, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng yêu cầu các doanh nghiệp CNTT cần lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm cụ thể để đầu tư. Trong điều kiện kinh phí hạn chế, các doanh nghiệp cần lựa chọn các lĩnh vực, sản phẩm để đầu tư hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT là đầu mối, hạt nhân thực hiện các nhiệm cụ thể về xây dựng chính phủ điện tử, hạ tầng viễn thông và CNTT, trong đó có cả vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng, triển khai hạ tầng, chính quyền điện tử, đô thị thông minh, bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, Sở TT&TT cũng phải là hạt nhân của lĩnh vực thông tin tuyên truyền, bảo đảm sự phát triển ổn định của tỉnh. Bộ TT&TT đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực, ngân sách cho lĩnh vực lĩnh vực CNTT và truyền thông. Đối với một số nội dung, lĩnh vực chưa có hướng dẫn cụ thể, tỉnh có thể tạo cơ chế để thực hiện thí điểm.

Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu trên. Liên quan đến chính quyền điện tử, đô thị thông minh, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để tỉnh có thể nghiên cứu tham khảo, thực hiện. Bộ TT&TT và tỉnh Hải Dương sẽ cùng lựa chọn một sản phẩm, mô hình điển hình để nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh và sẽ ra mắt tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT được tổ chức vào tháng 8/2020 tại tỉnh Hải Dương.

Liên kết nguồn tin: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/bo-tt-tt-se-song-hanh-cung-hai-duong-trien-khai-chinh-phu-dien-tu-573207.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...