Bộ KH&CN phải mạnh mẽ hơn trong xây dựng thể chế phát triển KHCN

Đăng vào 29/12/2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phải chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong xây dựng thể chế với cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới, để vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy lĩnh vực KHCN phát triển.

Bộ KH&CN phải mạnh mẽ hơn trong xây dựng thể chế phát triển KHCN- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng 28/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN.

Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn với cả thế giới và Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn vượt lên đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp "rất đáng kể" của ngành KHCN, những nhà khoa học, những người làm công tác KHCN. Theo Phó Thủ tướng, mọi người đều cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của KHCN, "ai muốn giàu hơn, muốn an toàn hơn, muốn có chất lượng sống tốt hơn đều phải dựa và KHCN".

Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương ngành KHCN tiếp tục có nhiều điểm sáng, trong đó Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua, nhiều nhà khoa học được vinh danh trên thế giới.

Về đổi mới, sáng tạo, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Theo thống kê của Scimago, năm 2022 các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam đều tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng các khoa học trên thế giới và khu vực so với năm 2016.

Trong nông nghiệp, KHCN đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, nhiều máy móc nông nghiệp cho người nông dân tạo ra đã góp phần thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp, với giá thành chỉ bằng 30% so với máy nhập khẩu, thậm chí đạt hiệu suất cao hơn vì phù hợp với đồng ruộng.

Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp, như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

Trong lĩnh vực khoa học y-dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng, gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống... là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học.

Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; tạo ra một số sản phẩm KHCN có giá trị, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới…

Trong lĩnh vực công nghệ cao, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu.

Thị trường KHCN tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế...

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, đã công bố gần 14.000 TCVN và gần 800 QCVN, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng KHCN là lĩnh vực khó, chưa phải là lợi thế của Việt Nam; nguồn lực dành cho KHCN còn hạn chế; cơ chế, chính sách cho phát triển KHCN như nhiều đại biểu phát biểu, đang là rào cản cho sự phát triển của KHCN; quyết tâm của ngành chưa cao, chưa quyết liệt.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thế giới đang phát triển rất nhanh trong khi mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và 2045 là rất cao, nên ngành KHCN có trách nhiệm vừa không làm dãn khoảng cách KHCN của Việt Nam với thế giới; vừa phải đi tắt, đón đầu để KHCN thực sự là giải pháp cho việc hiện thực hoá mục tiêu phát triển, đáp ứng nhu cầu của từng người dân luôn mong muốn sự cập nhật, đổi mới về KHCN để cuộc sống ngày một tốt hơn.

Để thúc đẩy sự phát triển của KHCN, đề nghị ngành KHCN phải chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong xây dựng thể chế với cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới để vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy lĩnh vực KHCN phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng KHCN là lĩnh vực dễ có điều kiện để đổi mới cách nghĩ, cách làm nhất; cần có chính sách phù hợp, chính sách đặc thù để phát triển KHCN - lĩnh vực hết sức đặc biệt, có ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống.

Trước hết, ngành cần có đề xuất mạnh mẽ với lý lẽ thuyết phục để khai thông những vướng mắc trong định giá, tài sản hình thành sau khi triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách cho người làm khoa học, cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính… Phó Thủ tướng đề nghị và khẳng định sẽ cùng đồng hành ngành KHCN trong nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành KHCN phải có cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ KHCN trong thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nhà khoa học; và tăng cường kết nối với thế giới.

Phó Thủ tướng mong muốn người lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực KHCN phải có có tinh thần chia sẻ với anh em, đồng chí, đặc biệt là đối với các nhà khoa học; biết trân trọng, lắng nghe, tạo được cảm hứng cho nhà khoa học, thì mới có sự đồng sức, đồng lòng để vượt qua khó khăn, thách thức.

Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/bo-khcn-phai-manh-me-hon-trong-xay-dung-the-che-phat-trien-khcn-102231228145737963.htm


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...