Phó giáo sư giành hơn 20 năm chỉ ra hiệu quả sử dụng phôi đông lạnh

Đăng vào 15/05/2020

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, 49 tuổi, là nhà khoa học nữ duy nhất có công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Trải qua 23 năm nghiên cứu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị và đồng nghiệp đã thành công khi chứng minh với thế giới về khả năng thực hiện kỹ thuật này của Việt Nam.

23 năm trước, tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cô nữ sinh tên Lan nhận công việc tại Khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ. Khi đó kỹ thuật IVF còn xa lạ với Việt Nam, bệnh viện đã mời đoàn chuyên gia từ Pháp sang để thực hiện kỹ thuật IVF đầu tiên. Là con gái Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ lúc bấy giờ, chị Lan thường phụ mẹ chuẩn bị hồ sơ bệnh nhân, xét nghiệm, cho tiêm kích thích buồng trứng. "Khi chuyên gia muốn nắm thông tin quá trình theo dõi người bệnh trước khi thực hiện chọc hút buồng trứng lấy noãn, tôi được gọi vào trình bày. Cơ duyên tham gia IVF đến với tôi từ đó", chị kể.

PGS Lan và các thành viên nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

PGS Lan và các thành viên nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Muốn đi sâu vào kỹ thuật IVF nhưng Việt Nam khi đó chưa có nơi nào đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực này, chị quyết định ra nước ngoài tìm hiểu thêm về IVF với hy vọng mang kỹ thuật về Việt Nam. Sau hai năm theo học tại Đại học Quốc Gia Singapore, chị về nước, cùng cộng sự nghiên cứu và điều chỉnh nhiều công đoạn thực hiện IVF phù hợp với Việt Nam.

Việt Nam là cái tên xa lạ về kỹ thuật IVF trong con mắt các nhà chuyên môn thế giới. Không muốn giới nghiên cứu quốc tế đánh giá thấp, chị Lan cùng cộng sự quyết tâm với hơn 30 công bố được đăng trên tạp chí quốc tế. Trong đó câu hỏi nên sử dụng kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh hay phôi tươi đã có câu trả lời từ kết quả nghiên cứu của nhóm: không cần thực hiện chuyển phôi tươi tất cả các bệnh nhân khi đi thụ tinh trong ống nghiệm.

"Chúng ta có thể đông lạnh phôi lại và giảm số phôi chuyển xuống, mỗi lần chỉ cần chuyển một phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân", PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết. 

Công trình này khi được công bố quốc tế đã góp phần làm thay đổi thực hành thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Người bệnh cũng nhờ đó được giảm chi phí hơn. Trước đó là kỹ thuật trưởng thành noãn non trong ống nghiệm cũng từng được nhiều hội nghị chuyên ngành lớn trên thế giới mời chuyên gia Việt Nam báo cáo, trao đổi kinh nghiệm.

Bây giờ chị đảm nhiệm vai trò Trưởng bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục theo đuổi nghiên cứu để chỉ ra giá trị điểm cắt nào của progesterone giúp các bác sỹ đưa ra quyết định chuyển phôi tươi hay đông lạnh, nên thực hiện nuôi cấy phôi ba ngày hay năm ngày, hiệu quả và chi phí như thế nào. 

Việt Nam hiện có hơn 10.000 ca thụ tinh ống nghiệm thành công. Trong ký ức TS Lan vẫn chưa quên những ngày đầu thực hiện kỹ thuật IVF. Đó là những ngày làm việc xuyên thời gian tại bệnh viện, đi đâu cũng mang theo hồ sơ bệnh nhân, thấp thỏm chờ kết quả phôi tốt không, bệnh nhân có thai không?. Và "Nếu không có trường hợp nào có thai, thì có lẽ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ không thể duy trì được ở Việt Nam", chị Lan nói về tâm trạng lo lắng khi đó. Còn bây giờ đã có một số trung tâm nghiên quốc tế muốn hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn tới. "Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp ra đời các nghiên cứu IVF có giá trị", TS Lan nói.

Ước tính cả thế giới mỗi năm có hơn 2 triệu cặp vợ chồng thực hiện IVF và có gần 3 triệu lượt chuyển phôi đông lạnh. Ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện IVF và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/pho-giao-su-gianh-hon-20-nam-chi-ra-hieu-qua-su-dung-phoi-dong-lanh-4098893.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...