Tiến sĩ nghèo theo đuổi ước mơ điều trị bệnh mất trí nhớ

Đăng vào 25/06/2020

Từng có ý định bỏ học để gánh nợ cho gia đình, Võ Văn Giàu trở thành tiến sĩ với những nghiên cứu bậc nhất về bệnh Alzheimer tại Hàn Quốc.

Hai tháng qua, TS Võ Văn Giàu (34 tuổi), nhận được lời mời tham dự nhiều diễn đàn khoa học nghiên cứu quốc tế về bệnh Alzheimer với vai trò là diễn giả. Nghiên cứu căn bệnh mất trí nhớ tại Đại học Gachon, Hàn Quốc, đến nay TS Giàu có nhiều công trình ứng dụng rộng rãi trong hỗ trợ sàng lọc và chẩn đoán bệnh tại nhiều bệnh viện lớn Hàn Quốc.

"Tại hội nghị quốc tế của Hiệp hội Alzheimer tổ chức vào tháng 7 sắp tới, tôi sẽ trình bày kết quả nghiên cứu thiết kế bản đồ gene của mình với hy vọng công trình có thể được ứng dụng tại nhiều quốc gia", anh nói. 

TS Võ Văn Giàu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

TS Võ Văn Giàu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em ở vùng quê tỉnh Quảng Nam, bố mẹ anh chỉ có vài sào ruộng, rẫy khoai sắn để trang trải. Từ nhỏ đã bị ám ảnh những lần có người đến nhà siết nợ vì mùa màng thất thu. Thương bố mẹ làm lụng vất vả, vay mượn khắp nơi để có tiền cho 10 anh chị em ăn học, Giàu nhiều lần muốn nghỉ học để phụ giúp, gánh nợ cho gia đình. "Nhưng nghe tôi nói câu đó xong, bố mẹ đều giận và kiên quyết không để ai trong nhà phải nghỉ học, chỉ có học mới có thể thoát nghèo được", anh nhớ lại. 

Nghe lời bố mẹ, Giàu cố gắng thi đỗ vào trường THPT ở huyện. Không có điều kiện học thêm vì phải để giành tiền chữa bệnh cho bố, Giàu ở nhà vừa tự học, vừa phụ giúp ruộng nương. Những hôm được nghỉ, Giàu thường theo anh trai khi đó là sinh viên Đại học Y, đi tìm những cây cỏ, cây thuốc trong làng. Được anh trai giới thiệu những vị thuốc, Giàu không nghĩ chúng lại có công dụng "thần kỳ" trong điều trị bệnh đến vậy.

Có sẵn niềm đam mê với Sinh học và Hóa học, tốt nghiệp cấp ba, năm 2005, chàng trai quê Quảng Nam chọn ngành Công nghệ Sinh học hướng Y Sinh, trường Đại học Tôn Đức Thắng với mong muốn tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu vai trò các loại cây thảo dược trị bệnh. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học dần mở ra khi anh có ba công trình nghiên cứu trong nước về sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học.

"Đó là ba công trình tạo tiền đề phát triển các nghiên cứu của tôi theo hướng này cho đến hiện tại", anh nói. Sau đó, anh trở thành giảng viên Đại học Công nghệ Thực phẩm HCM để tiếp nối lửa đam mê nghiên cứu.

Trở về quê trong một kỳ nghỉ, một người họ hàng xa hỏi anh về cách chữa trị và phục hồi bệnh mất trí nhớ bằng dược liệu. Nghiên cứu nhiều các loại thảo dược, lần đầu tiên anh bối rối trước câu hỏi chuyên môn này. Nhận thấy căn bệnh này tại Việt Nam phổ biến trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về Alzheimer, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, dứt điểm, anh tìm hiểu kỹ hơn.

Những ý tưởng nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ bắt đầu hình thành, trao đổi với một giáo sư người Mỹ gốc Hàn, anh nhận được học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ Y sinh học tại Đại học Gachon, Hàn Quốc năm 2014.

Những ý tưởng nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ bắt đầu hình thành, trao đổi với một giáo sư người Mỹ gốc Hàn, anh nhận được thư chấp nhận cấp học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ Y sinh học tại Đại học Gachon, Hàn Quốc.

Nhận được thông báo trúng học bổng, anh lo nhiều hơn mừng vì khi đó vừa lập gia đình, con trai mới 5 tháng tuổi và đi ở trọ. Nếu anh đi, vợ và con sẽ vất vả nhiều. Nhưng ở lại, những ý tưởng, dự án nghiên cứu mà anh tâm đắc nhất sẽ không có khả năng thực hiện. Anh Giàu vò đầu suy nghĩ.

"Nếu em muốn, anh sẽ ở lại Việt Nam với con và em, chỉ cần nghiên cứu trong nước", anh Giàu hỏi ý kiến vợ. "Anh cứ yên tâm hoàn thành chương trình, mọi việc ở nhà có em lo", vợ anh động viên và mong các dự án nghiên cứu của anh được thực hiện.

Lời động viên của vợ như tiếp sức mạnh, năm 2014, anh Giàu đặt chân sang xứ Hàn nghiên cứu, quyết tâm đi tìm lời giải căn bệnh Alzheimer. Để hoàn thành chương trình Tiến sĩ, anh phải học hơn 12 môn với 42 đơn vị học trình trong suốt ba năm bên cạnh hoàn thành các dự án nghiên cứu. Thời gian gọi điện về nhà lấp kín bằng những cuộc họp với các bác sĩ, chuyên gia để đánh giá và lên kế hoạch cho dự án. Chìm vào công việc nghiên cứu, anh lỡ hẹn những lần về thăm gia đình, không thể dự đám cưới của anh trai vì phải ở lại làm cho kịp tiến độ dự án.

Vào buổi chiều tháng 6/2014, anh đã thuyết phục được hội đồng chuyên môn Hàn Quốc về tính khả thi của dự án thiết kế bản đồ gene giúp chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh Alzheimer. Sau hai năm, anh khoanh vùng được 100 kiểu gene có liên quan đến Alzheimer từ 20.000 gene trong nhiễm sắc thể người.

Quá trình thiết kế bản đồ gene gặp khó khăn khi thu thập, phân tích và đối chiếu kiểu hình thực tế từng người bệnh. Vì đây là hướng nghiên cứu hệ thần kinh trung ương với cơ chế phức tạp, trực tiếp lên người bệnh, cần hợp tác với rất nhiều bệnh viện. "Bên cạnh tìm đủ được số lượng mẫu, việc dùng các thuật toán và chứng minh con đường gây bệnh của từng gene tương ứng trên từng kiểu hình của bệnh nhân, để mô tả các con đường sinh bệnh liên quan là công việc tốn khá nhiều thời gian và công sức", anh Giàu chia sẻ.

Để khắc phục và tối ưu hóa bản đồ gene cho phù hợp với từng kiểu hình của bệnh nhân, TS Giàu sử dụng nền tảng giải trình tự gene thế hệ mới (NGS), kết hợp với số lượng mẫu đa dạng được thu thập, dành hết quỹ thời gian trong phòng thí nghiệm kể cả các ngày lễ tết. Một năm sau, TS Giàu hoàn thành dự án lập bản đồ 30 kiểu gene liên quan trực tiếp tới chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Kết quả này được cấp sáng chế tại Hàn Quốc và đang được ứng dụng phát triển thành bộ Kit trong phát hiện và sàng lọc ở một số bệnh viện Hàn Quốc. Với những thành quả nghiên cứu nổi bật, TS Giàu trở thành thành viên nhóm nghiên cứu bậc nhất về Alzheimer tại Hàn. Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc cũng cấp kinh phí hỗ trợ 100 triệu won (khoảng 2 tỷ đồng) trong ba năm, bắt đầu từ 2019, để nhóm phát triển các giải pháp chẩn đoán phân tử và ứng dụng liệu pháp gene điều trị bệnh mất trí nhớ.

Song song với việc nghiên cứu ở nước ngoài, TS Giàu đã sáng lập, vận hành giữ vai trò Trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ nano sinh học thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng, kết nối những chương trình hợp tác của sinh viên với các chuyên gia nước ngoài. Nghiên cứu bước đầu xác định hợp chất quý trong cây thanh trà Việt Nam có tiềm năng làm thuốc điều trị bệnh Alzheimer là một trong những kết quả cho sự hợp tác này.

Năm 2019 anh giành giải thưởng Quả cầu vàng cho thanh niên nghiên cứu khoa học công nghệ. Đến bây giờ, ký ức về cái nghèo, bữa đói, bữa no vẫn ám ảnh. Anh bảo, trong nhà cả 10 anh chị em, ai cũng sợ cảnh nghèo khó. Vì vậy điều mà bố mẹ răn dạy là chỉ có cách học mới thoát ra được luôn được ghi nhớ mỗi khi gặp khó khăn. Có lẽ cũng vì vậy cả anh và các anh em trong nhà ai cũng học rất giỏi. Có người tốt nghiệp tiến sĩ Y khoa, nay đã là Giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội, người làm luật sư, kỹ sư...

Cho rằng mình vẫn còn "xanh" để đứng nghiên cứu độc lập khi về nước, TS Giàu muốn tiếp tục theo các kiến thức chuyên sâu, sau đó mang những kết quả nghiên cứu và công nghệ học hỏi được để có thể ứng dụng ở quê hương, đặc biệt là những nghiên cứu về bệnh Alzheimer", TS Giàu nói và luôn tâm niệm "được ra đi, để được trở về". 

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tien-si-ngheo-theo-duoi-uoc-mo-dieu-tri-benh-mat-tri-nho-4118161.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...